[Mẹ và bé] - Nuôi con bằng sữa mẹ

Câu chuyện về sữa mẹ tốt như thế nào chắc hẳn mẹ nào cũng biết (các hãng sữa còn phải công nhận mà lị), nhưng không phải mẹ nào cũng đủ sữa để cho con ti, hoặc vì những lý do nào đó mà con không chịu ngậm ti mẹ. Bản thân mình cũng đã một thời gian đầu không có sữa, không đủ sữa cho con ti mẹ, cuối cùng đành phải thêm sữa công thức. Sang tập 2, với những kinh nghiệm xương máu rút ra, mình đã và đang tự tin nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Chuyện ăn uống:
Nói chung là ông bà xưa mình cũng hay lắm, vì vậy mà bao nhiêu kinh nghiệm dân gian về vụ "ăn cho có sữa" đều được truyền đến giờ và đến mình!!!
Mỗi ngày ăn móng heo, ăn canh hẹ, ăn củ sen hầm... nhưng món mình khoái khẩu nhất là đu đủ hầm xương.
Món này nấu nhanh và dễ ăn, mình ăn vào thấy sữa lên đều, tuy nhiên món này nhiều chất béo (từ xương hầm ra) nên con ti mẹ dễ ọc sữa (đó là mình đang nói theo thực tế con trai mình).
Đu đủ là món giúp "bụng tốt" nên mình ăn bậy bạ gì làm con đi phân xấu là hôm sau mình ăn canh đu đủ vào, phân con cải thiện ngay (điều này đúng với cả bé lớn, con gái mà đau bụng hay đi phân xấu là mình hấp đu đủ với tí đường hay cho vào vi sóng quay là con ổn ngay)
(Món canh đu đủ hầm xương minh họa - ảnh từ internet)

Có 1 lần Nội cũng cho ăn món canh cá trê nấu rau răm, nghe Nội nói đó là món khi xưa mẹ ít sữa bố cũng đi "sưu tầm" về cho mẹ. Món này phải là cá trê vàng vừa vừa nấu mới "công hiệu", khi cá chín phải vớt ra "khỉa" thịt bỏ xương, rồi cho thịt cá trở lại nấu tiếp với rau răm cho thơm, nêm nếm vừa ăn (có thể nêm thẳng vào thịt cá lúc vừa "rỉa" xong). Đúng như Nội nói, canh có mùi thơm của rau răm và cái ngọt của thịt cá, nói chung là dù không phải vì "cho có sữa" thì ngày thường vẫn ăn rất đã...
Món này mình thấy không lên nhanh bằng đu đủ hầm xương, có lẽ mỗi cơ địa mỗi khác. Nhưng cũng để dành để "đổi món" khi ngán.
70-90% sữa mẹ là nước nên thứ không thể thiếu trong quá trình làm "bò sữa" là NƯỚC 
Nước ở đây bao gồm nước trong các bữa ăn (canh), nước ép trái cây và nước lọc... Với mình, vì sinh mổ, cũng có kiêng cữ chút chút nên ngoài canh thì chủ yếu là bổ sung nước lọc. Nhà có cái bình nấu nước 1,8L, mỗi ngày mình nấu 4 bình, 1 bình để tắm Phomai, 3 bình còn lại là uống lai rai trong ngày, còn dư trong chai, cứ vậy đều đặn, cũng có hôm uống ít chút là người khô hẳn ra, nhìn nước dư cũng biết nên ráng.
Vì chất lượng sữa cũng quan trọng không kém gì "số lượng" nên việc ăn nhiều uống nhiều cũng phải kết hợp với việc đa dạng thực phẩm.
Hồi tập 1, mình cữ nhiều lắm, chỉ có mỗi cá lóc và thịt heo, rau ngót và 1 số loại củ. Mẹ ít sữa, con thiếu sữa, ngủ không ngoan, ị không đều... Mẹ càng căng thẳng dẫn theo càng ít sữa và con... Cái vòng lẩn quẩn đó cứ mãi đến tập 2 :D
Tập 2, một phần đã hiểu về cái "cơ chế lên sữa", một phần học hỏi nhiều kinh nghiệm của các mẹ đi trước mà mình không quá kiêng khem gì.
Nói về kiêng, mỗi miền mỗi khác, mỗi nhà mỗi tin khác nhau. Nhà mình Nội Ngoại cũng kiêng nhưng nhờ có thông tin từ internet nên mình cũng thuyết phục Ông Bà 2 bên.
Ngoài thịt và cá lóc, mình chú ý ăn thêm tép sông nho nhỏ, loại tép mà có nhà dùng để nấu canh á, tép này ăn luôn cả vỏ lại không lo bơm chích cái gì nên tha hồ chén! Trong tuần có 2 bữa tép sẽ giúp mẹ khỏe và con ngủ ngon (tức nhiên còn kết hợp mấy thứ khác như phơi nắng hay gì gì nữa, cái đó nói sau), bản thân mình cảm nhận rõ điều này bằng việc không thấy tê chân mỗi đêm và sáng đánh răng không bị chảy máu.
Ngoài trừ cơ địa mẹ có tiền sử dị ứng với hải sản (ăn vào bị nổi mẫn, bị ngứa, bị ói...) thì dù đẻ mổ (như mình) vẫn ăn được món này. Tất nhiên là, mình cho con bú mẹ nên ăn gì, mình cũng phải ăn "thăm chừng" - ăn số lượng vừa phải, không phải ngon là ăn liên tiếp trong mấy bữa, cứ ăn vào và xem "phản ứng" của con - qua output và qua sự ngủ.
Lần đầu mình ăn tép, con ị phân lổn nhổn có hạt trắng, đạm nhiều con chưa tiêu hóa nỗi nhưng thấy con vẫn vui vẻ và ngủ khỏe nên mình không lo. 2 hôm sau mình ăn lại, thấy phân con đã cải thiện, vậy là giờ mỗi tuần bổ sung tép 2 lần trong thực đơn.
Thịt bò, thịt gà, cứ thử từ từ, ăn kết hợp món gừng cho dễ tiêu, ấm bụng.
Nhớ lần đầu mình ăn sò huyết (vì quá thèm) mình xơi 5 con và "ẻm" đau bụng cả đêm :( (làm sao biết bé đau bụng thì search gu gồ, hihi) Vậy là mình uống chút trà gừng cho con ấm bụng (ít trà thôi kẻo con mất ngủ hay mẹ bị bón :D), 1 tuần sau làm lại 5 con nữa, hihi...
Kế hoạch ăn uống của mình cứ vậy, ăn và thử...
Đến giờ, 3 tháng, mẹ đã ăn gần như đa dạng các loại thực phẩm, ăn chung với cả nhà và có đủ sữa cho con ti (thỉnh thoảng hút ra đắp mặt mẹ, hihi)
Điều cuối cùng trong việc "làm sao có sữa" là phần TÂM LÝ CỦA MẸ!!!
Bản thân mình kinh nghiệm thực tế vụ này ghê lắm. Có lần cũng ông chồng đi nhậu về khuya, 2 vợ chồng cãi nhau, mình khóc lóc ỉ ôi, thế là liên tục mấy hôm sau "tịt" sữa.
Không gì quan trọng như tinh thần của mẹ, mẹ gắt gỏng, con ti mẹ cũng khóc lóc khó chịu y vậy, không tin các mẹ cứ thử!!!
Thực ra dù đã sinh bao nhiêu lần thì chăm con trong mấy tháng đầu cũng rất vất vả, mình đã lấy việc chơi với con làm niềm vui và an ủi tinh thần nếu cuộc sống có gì đó không ổn! Khó đấy, nhưng làm được 1, 2 lần là mình sẽ trở nên "thiền" với những u sầu xung quanh.
Túm lại:
Nuôi con bằng sữa mẹ cực nhàn, ngoài việc người luôn "thơm sữa", hihi
Mình lười lắm nên cứ cố cho con ti mẹ để khỏi phải 2-3 tiếng pha sữa 1 lần, rồi tiệt trùng, rồi hâm sữa, ôi nhiêu khê.
Nuôi con bằng sữa mẹ rất kinh tế, mẹ vừa được ăn tha hồ mà không lo lên ký, mà còn mau "lấy lại dáng" nữa nhé!
Chỉ cần lưu tâm những điều sau là mẹ yên tâm sẽ luôn có sữa cho con:
1. Ăn đa dạng và đủ bữa
2. Ngủ đủ giấc (trưa con ngủ là ngủ ngay, không face không zalo, viber gì hết ráo!)
3. Tinh thần vui vẻ, lạc quan và luôn TỰ TIN mình đủ sữa cho con.
P/s: Sẽ còn nhiều việc xoay quanh cho con bú mẹ (cho ti trực tiếp hay ti bình, con k chịu ngậm ti mẹ...) mình chưa đề cập ở đây, nếu rảnh mình viết thêm nhé.

0 nhận xét: